Nên mang gì sang Nhật p2
Tiếp theo phần 1: Giấy tờ, trang phục, thiết bị điển tử, vật dụng cá nhân, lương thực thực phẩm
6. Quà:
Khi sang Nhật thỉnh thoảng sẽ có những dịp mà nếu bạn có thể tặng quà ai đó thì sẽ rất tốt, để tạo quan hệ hay để cảm ơn, ví dụ như tặng cho cấp trên, hay thầy cô giáo, hay người quản lý, hay bạn bè, hay nhà host, nhà homestay, nhà hàng xóm, chủ nhà trọ, … Những lúc như vậy nếu có một món quà đắt tiền thì cũng tốt, nhưng nếu không bạn cũng có thể tặng một món quà không đắt lắm nhưng mang đậm tính Việt Nam, sẽ rất giá trị và ý nghĩa đối với người nước ngoài. Thứ quà dễ tặng nhất là cà phê hòa tan G7, Trung nguyên. Bởi nó có thể tặng cho mọi đối tượng từ người già đến người trẻ, từ người béo đến người gầy, ăn chay ăn kiêng, từ người Nhật, người VN đến người nước ngoài, và hạn sử dụng của cà phê thì cũng đủ lâu để bạn tích trữ và tặng khi cần. Và nó cũng đủ tính đặc sắc của VN, đặc biệt nếu bạn có thể giới thiệu được việc VN là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng cà phê hạt xuất khẩu, hơn nữa cà phê Nhật đắng hơn và không thơm bằng, và (theo tôi thấy thì) kém xa cà phê VN… Bản thân tôi, mỗi lần về VN hay nhờ bạn bè mang giùm đồ sang Nhật để làm quà, bao giờ tôi cũng chuyển 5-10 hộp cà phê hòa tan G7 sang, nếu ko tặng ngay thì để dành tặng dần, hoặc dư ra thì để uống, vì bản thân cũng thích uống cà phê VN và không ưa cà phê Nhật lắm. Ngoài ra cũng có thể mua các món ăn đặc sản Việt Nam (kẹo lạc, kẹo dừa, ô mai, bánh đậu xanh, bánh trung thu, bánh pía, bánh sữa, bánh cu đơ, bánh cáy, chè lam, chè sen, chè nhài …) làm quà, nhớ chú ý hạn sử dụng và lưu ý khi mang lên máy bay (mục 10), hay các thứ quà lưu niệm khác như mô hình nón lá nhỏ, áo dài, quốc kỳ, áo đỏ sao vàng, áo iPhở, tranh Đông Hồ, tranh thêu, tranh đá quý, đồ thổ cẩm, khung ảnh, móc khóa hình VN, nam châm gắn tủ lạnh, lót cốc, đồ thổ cẩm, khăn lụa, đồ lưu niệm các loại … Chi tiết chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm ở một bài viết khác.
7. Thuốc:
Về nguyên tắc, chỉ những thuốc nào các bạn biết là thuốc gì, uống khi nào, liều lượng bao nhiêu… thì các bạn mới dùng được và vì thế mới cần mang theo. Vì thế nên khi mang thuốc sang thì chỉ mang những thuốc bạn hay uống hoặc đã uống quen, như: thuốc cảm cúm như Decolgen/Tiffin, thuốc giảm đau hạ sốt như Panadol/Paracetamol/Efferalgan/Bivinadol, thuốc nhức răng, thuốc đau bụng như Berberin/Bactrim/Trimazol/Clotrimazol, thuốc nhỏ mắt V-Rohto,… mang thừa thì hơn là mang thiếu, tuy là cũng không cần mang với số lượng quá nhiều vì không khí và đồ ăn bên Nhật lại rất sạch nên khó có gì xảy ra. Ngoài ra các bạn cũng có thể khám bệnh và được kê đơn thuốc ở đây và nếu đc bảo hiểm chi trả thì bạn chỉ phải trả 30% giá trị thuốc. Chỉ cần nhớ, lỗi rất nhiều người mắc phải là mang thuốc sang nhưng quên mất nó là thuốc gì, uống với liều lượng nào, trước hay sau khi ăn, thành ra mang sang ko uống đến khi hết hạn thì vứt đi, mặt khác khi bị bệnh thì lại không biết mà uống. Bên cạnh đó các bạn có thể mang theo một số loại thuốc bổ hay vitamin C dưỡng sức khỏe, cũng nên là những thuốc mà bạn biết uống.
8. Những thứ nên hạn chế mang sang
- Những thứ có thể mua ở cửa hàng 100 yên, có thể kể: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, bột giặt, bông ngoáy tai, khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu, lược, bông tắm, gương nhỏ, móc áo, bấm móng tay, keo bọt, xi giày, nhíp, giấy ăn, cốc chén bát đĩa dù bằng sứ hay nhựa hay thủy tinh, bánh kẹo, pin, bài tú lơ khơ, vở, sổ tay, giấy nhớ, dụng cụ văn phòng, đồng hồ để bàn, dép đi trong nhà, dây USB, dây sạc điện thoại ngắn, đầu đọc thẻ nhớ, tai nghe phone, chai lọ, hộp nhựa, đũa, thìa, dĩa, muôi, dao, kéo, cái gọt vỏ, rổ rá, dép đi trong nhà, cái bịt tai, găng tay, băng dính (1 mặt/2 mặt/điện/gạc), tua vít, cờ lê, lục giác, kẹp tóc, dây buộc tóc, găng tay, bịt tai, kim chỉ, dây dứa, ô, … Tất cả các thứ này các bạn đều có thể mua được ở các cửa hàng 100 yên, với giá 108 yên (vì phải tính cả thuế VAT 8%).
Dĩ nhiên là những thứ bạn yêu thích hoặc những thứ cần dùng ngay khi mới sang thì có thể mang theo, tuy nhiên hãy nhớ là khi sang Nhật rồi bạn có thể mua thêm chúng một cách dễ dàng, nên có thể bạn sẽ muốn ưu tiên những thứ khác như quần áo, thực phẩm… hơn, vì số cân có hạn.
- Nồi niêu xoong chảo
- Vật nặng, vật cồng kềnh
- Quần áo mùa đông cồng kềnh (hạn chế tối thiểu)
- Sách học (hạn chế tối thiểu, chỉ nên mang những thứ cần thiết nhất). Bởi vì khi qua Nhật học tiếng Nhật người ta sẽ phát cho rất nhiều sách, tài liệu, học ở đó thôi còn chưa xuể, không cần mang thêm sang.
9. Hình xăm
Không phải tôi đang định khuyên bạn nên xăm ở VN trước khi qua Nhật vì xăm ở Nhật sẽ rất đắt, mà tôi khuyên các bạn nếu sang Nhật thì tuyệt đối không nên xăm. Ai lỡ xăm rồi thì cố gắng giấu đi đừng để ai thấy, bởi ở Nhật thời xưa, chỉ có dân xã hội đen mới xăm mình, vì thế nên người Nhật đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên sẽ có thành kiến, định kiến rất lớn với người có hình xăm. Tuy là ngày nay những người trẻ hơn đã bớt thành kiến đi nhiều, nhưng nếu thầy giáo hay chủ lao động của bạn là một người có thành kiến này, bạn sẽ rất bất lợi. Các suối nước nóng hay nhà tắm công cộng cũng có chính sách cấm người có hình xăm vào tắm.
10. Các vấn đề quan trọng về hành lý khi mang qua cửa sân bay
- Thực phẩm: Nhiều người khi sang Nhật mang các thứ “của lạ”, “của hiếm” mà không có ở Nhật như thịt chó, thịt dê, sầu riêng, mực khô, hoa quả tươi, hay giò chả, thịt gà… nhưng khi tiếp đất ở Nhật và làm thủ tục nhập cảnh, có thể bạn sẽ bị hải quan gọi lại và yêu cầu kiểm tra hành lý. Nếu đã bị kiểm tra thì về nguyên tắc, thịt tươi và các chế phẩm từ thịt, bất cứ loại thực phẩm nào không có nhãn mác nguồn gốc đều sẽ bị tịch thu. Nhưng nếu bạn không bị hải quan gọi lại thì sẽ mang được những thứ đó sang “trót lọt”. Còn có tin đồn rằng nếu 1 lần nhập cảnh bạn bị kiểm tra và bị tịch thu đồ, hải quan sẽ làm “dấu ngầm” lên hộ chiếu của bạn và khả năng cao là lần sau bạn sẽ bị gọi vào kiểm tra lần nữa; tuy nhiên đây chỉ là tin đồn truyền miệng và chưa được kiểm chứng chắc chắn.
- Chất lỏng: Tùy chính sách của từng hãng hàng không, có thể bạn sẽ được mang tối đa 1000ml hoặc 500ml chất lỏng hoặc tuyệt đối không được mang chất lỏng qua cửa sân bay. Vì thế những thứ như: nước hoa, dầu gội đầu, sơn móng tay, mỹ phẩm nói chung … tuyệt đối để trong hành lý ký gửi để tránh trường hợp bị tịch thu mất. Lưu ý kể cả những thứ lỏng sệt sệt như kem đánh răng hay dầu ăn, sữa rửa mặt cũng có thể được coi là chất lỏng và có thể bị tịch thu.
- Vật có thể làm hung khí, chất cháy nổ: Các thứ có thể làm hung khí như: vũ khí, vật kim loại sắc nhọn, vật nặng bằng kim loại, dao, kim khâu, giũa móng tay, đinh ghim nhọn, … hoặc dễ cháy nổ như: thuốc nổ, pháo, hay bình xịt (ví dụ như keo bọt hoặc nước hoa), … sẽ có thể bị tịch thu.
- Bọc giấy bạc: Nhiều bạn thường truyền tai nhau bí kíp “bọc giấy bạc vào đồ thì khi qua cửa hải quan sẽ không bị soi thấy“. Thực ra cách này chỉ hữu dụng nếu bọc đựng giấy bạc của bạn là nhỏ, bọc vào sẽ khiến nhân viên hải quan không chú ý, còn không nếu bọc giấy bạc to có thể sẽ bị nhân viên hải quan hỏi đó là vật gì và đôi khi còn bị bắt lôi ra kiểm tra, chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Nên nhớ an ninh sân bay rất nghiêm ngặt, họ không hỏi bạn chẳng qua vì không muốn mất thời gian những chuyện không nghiêm trọng thôi, còn bạn mang gì qua họ phải biết – nếu cứ bọc giấy bạc vào là sẽ không ai biết thì chẳng nhẽ bạn mang dao, súng lên máy bay cũng chỉ bọc giấy bạc lại là xong? Ngoài ra chất lỏng không cần bọc giấy bạc, vì dù bạn bọc hay không thì nếu để ở hành lý ký gửi người ta cũng sẽ cho qua, và nếu để ở hành lý xách tay sẽ bị thu nếu quá lượng được cho phép.