Vấn đề di dân,tị nạn và visa tị nạn tại Nhật Bản
Vấn đề di dân – 移民問題(いみんもんだい), dân tị nạn 難民(なんみん) và nước Nhật.
Mấy hôm nay chắc những ai theo dõi thời sự quốc tế đều biết vấn đề thời sự nóng bỏng là người tị nạn Syria tràn vào châu Âu. Vấn đề chợt trở nên nóng bỏng khi mà hình ảnh đáng thương của một em bé tị nạn 3 tuổi chết đuối nằm úp sấp mặt trôi dạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên làn sóng thương cảm trên toàn thế giới. Dư luận cảm tính gây áp lực mạnh mẽ lên toàn châu Âu, ảnh hưởng đến cả chính sách di dân, tiếp nhận dân tị nạn của châu Âu. Một số nước nhất quyết không tiếp nhận dân tị nạn. Một số nước hào phóng tiếp nhận. Ở đấy có 2 vấn đề đối lập nhau: nhân đạo với dân tị nạn thì ảnh hưởng đến xã hội của người bản địa.
Nước Nhật cũng là môt nước phát triển, và cũng như các nước phát triển khác thì Nhật cũng có chính sách tiếp nhận dân tị nạn, tiếng Nhật gọi là 難民(なんみん) . Từ sau chiến tranh VN, làn sóng người tị nạn Động Dương (VN, Lào, Campuchia) khi đó chính là những nhóm người đầu tiên được hưởng chính sách tị nạn của Nhật Bản. Từ năm 1979, họ được tiếp nhận ở các trại tị nạn ở thành phố 姫路 Himeji (tỉnh 兵庫 Hyogo) và thành phố 大和 Yamato (tỉnh 神奈川 Kanagawa), hình thành những nhóm người “Việt Kiều” lớn đầu tiên ở Nhật. Nhiều người Việt Nam trong khi tỏ ra thương cảm người tị nạn Syria thì lại không biết gì về lịch sử tị nạn đau thương của đồng bào của mình ngày trước. Thậm chí từ năm ngoái cũng dấy lên làn sóng tị nạn mới đi Úc, đến mức Úc đã phải dừng tiếp nhận ngay vì không kham nổi.
Nói tiếp về Nhật Bản. Sau đợt 1979 đó thì Nhật Bản hầu như không tiếp nhận người tị nạn mấy nữa. Có thể nói là kém tích cực so với các nước châu Âu. Đó là bởi vì nước Nhật vẫn rất dè dặt với người nước ngoài di cư, tiếng Nhật gọi là 移民 (移民) nói chung, người tị nạn nói riêng. Dẫu cho không phải là người tị nạn, thì sự tiếp nhận người lao động nước ngoài cũng cực kỳ hạn chế. Hiện nay lao động phổ thông người nước ngoài không được phép làm việc chính thức ở Nhật. Chính vì vậy mà có chế độ trung gian “thực tập sinh kỹ năng” (tên cũ là tu nghiệp sinh), vừa để đào tạo nhân lực cho của các nước (có tiềm năng) hữu hảo với Nhật, vừa để giải quyết tình trạng thiếu lao động phổ thông ở các công ty vừa và nhỏ, ở một số ngành nghề nhất định, nhất là các công ty ở địa phương.
Nói về sự e dè tiếp nhận dân di cư. Người Nhật trong tiềm thức vẫn tự hào về nguồn gốc thuần chủng, về dân tộc tính đặc biệt của mình. Họ vừa e dè cảnh giác vừa khó chịu với những người nước ngoài định xâm nhập và phá hoại sự thuần chủng, văn hoá của họ. Cho dù đó là người châu Âu mà họ vừa nể vừa thích, hay người châu Á họ vừa thích vừa ghét, vừa tò mò vừa coi thường. Đơn giản chỉ là Nhật hoặc không Nhật. (Đừng chê người Nhật, người Việt cũng thế thôi. Có ai thấy người VN luôn gọi “thằng Tây” không? Thái độ vừa chế diễu vừa thần phục “Tây” đó rõ lắm).
Cho đến nay, người Nhật vẫn vừa cảnh giác với dân di cư vừa theo dõi sát sao cách tiếp nhận dân di cư của các nước khác: châu Âu, Mỹ, Úc… Tình trạng hiện nay là trừ nước Mỹ ra thì các nước khác đều có sự kỳ thị ít nhiều của dân bản địa, nhất là dân da trắng, đối với người di cư. Và thực tế là dân di cư cũng gây khá nhiều vấn đề đối với các nước này. Có lẽ phiền toái nhất là dân di cư gốc Hồi Giáo, vì họ không chỉ di cư mà còn có ý định chiếm lĩnh các xã hội họ di cư đến bằng xã hội Hồi Giáo. Mà họ cũng khá là khó hoà nhập vào xã hội di cư đó. Với thực tế đó, về cơ bản thì người Nhật vẫn không thể nào chấp nhận người di cư được, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn hiểu rằng nước Nhật cần dân di cư trình độ cao.
Đã nhiều lần mình nói rằng dân Trung Quốc và dân Ấn Độ hiểu điều này nên họ đã và đang cố gắng di cư sang Nhật Bản. Thậm chí nhiều người Hàn Quốc cũng vậy. Toàn dân có trình độ, có tiền. Người VN thì sao, từ chỗ được người Nhật có thiện cảm thì ngày càng gây phiền toái xã hội Nhật bằng những vụ phạm pháp. Học hành cũng không cao. Hoà nhập thì ít mà chống đối thì nhiều. Thật là vô cùng phí phạm cơ hội để thâm nhập vào xã hội phát triển và nhiều cơ hội này. Chỉ hy vọng Nhật sẽ làm căng, siết chặt đầu vào tiếp nhận người Việt thôi.
Nhân đây mình muốn cảnh cáo một hiện tượng gần đây là có nhiều người tìm cách ở lại Nhật bằng cách xin xét hồ sơ “tị nạn”. Không hiểu ai xúi bẩy, nhưng xác suất được chấp nhận làm người tị nạn ở Nhật gần như bằng 0. Dẫu cho bạn có là người bất đồng chính kiến, nhưng không chứng minh được là bạn đang bị đe doạ tính mạng thì cũng không được xét. Còn lý do kinh tế thì xin lỗi là không thể nhé. Thời gian xét duyệt đơn tị nạn mất 3-5 năm, và kết quả là hầu như bằng 0. Ví dụ năm 2013 chỉ có 6 người được duyệt từ khoảng 5000 người (các quốc tịch) xin xét đơn. Trong thời gian được duyệt đơn đó thì hầu như là không được trợ cấp gì mấy trong việc ăn ở, mà đi làm arubaito cũng bị cấm. Đi về VN cũng không được vì không còn hộ chiếu nữa. Không khác gì tù giam lỏng vậy. Từ bỏ ý định đó đi nhé.
Theo facebook Mai PB